Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2019

Sách HỎI ĐÁP PHÁP DUYÊN SINH (Sư Thanh Minh)



Xin được giới thiệu với mọi người cuốn HỎI ĐÁP PHÁP DUYÊN SINH. Sách rất ngắn gọn, chỉ 148 trang A5 rất thuận lợi cho người mới hoặc không có thời gian đọc những cuốn nghiên cứu sâu về Pháp Duyên Sinh. Các câu hỏi và trả lời đều được chọn lọc để người đọc nắm được cốt lõi của Pháp Duyên sinh, một trong những nội dung quan trọng nhất để có thể hiểu được Nguyên nhân của Khổ (Tập đế)



MỤC LỤC của cuốn sách




Có thể tải file cuốn sách TẠI ĐÂY



Sách rất ngắn gọn, chỉ 148 trang A5 với các câu hỏi và trả lời được chọn lọc.
Xin trích 1 mục để minh họa
7.     THỌ DUYÊN ÁI
(
VEDANĀPACCAYĀ TAṆHĀ)
(Thọ duyên ái)
Do thọ sinh, nên ái sinh
Thọ là nhân, ái là quả.
HỏiÁi là gì?
Đáp: - Ái là loại tâm ưa thích, dính mắc vào cảnh trần.
- Do sự thấy biết sai lầm (tà tri kiến), tưởng tri cảnh trần là khả ái, hấp dẫn, nên sinh lòng dục vọng, ái luyến, khao khát cảnh trần, khiến cho chúng sinh bị cuốn hút trong vòng khổ đau, sinh tử.
Có 6 loại tham ái được sinh lên từ 6 loại cảm thọ là:
- Sắc ái - tham ái sắc
- Thanh ái - tham ái tiếng
- Hương ái - tham ái mùi
- Vị ái - tham ái vị
- Xúc ái - tham ái xúc chạm
- Pháp ái - tham ái pháp (cả 5 thứ trên)
Mỗi ái lại chia thành 3 loại:
- Dục ái
- Hữu ái
- Vô hữu ái
VD: - Một chúng sinh thấy cảnh sắc là khả ái, khả hỉ, khả lạc, hấp dẫn, liên hệ đến lòng tham dục thì được gọi là dục ái.
- Một chúng sinh có tà kiến, cho rằng cảnh sắc là thường, sau khi chết vẫn còn hưởng thụ được sắc thì được gọi là hữu ái.
- Một chúng sinh có tà kiến, cho rằng chết rồi là hết, sắc sẽ chấm dứt, do sự dính mắc vào tà kiến như vậy thì gọi là vô  hữu ái.
Cũng tương tự như vậy với thanh ái - hương ái - vị ái - xúc ái - pháp ái.
Hỏi: Thế nào là thọ duyên ái?
Đáp: Khi mắt tiếp xúc với một cảnh sắc hấp dẫn, rồi sinh tâm ham thích, ái luyến đối với sắc, đó được gọi là thọ duyên ái.
Bởi thọ do nhãn xúc sinh sinh, nên tham ái với cảnh sắc sinh. Thọ do nhãn xúc là nhân, tham ái với cảnh sắc là quả.
+ Dục ái: ưa thích sắc đẹp.
+ Hữu ái: khi chết vẫn còn linh hồn để hưởng sắc.
+ Phi hữu ái: chết rồi là hết, nên phải hưởng sắc khi còn sống.
- Bởi sự sinh của cảm thọ do nhĩ xúc sinh sinh, nên tham ái với âm thanh sinh. Cảm thọ do nhĩ xúc sinh là nhân, tham ái với âm thanh là quả.
+ Dục ái: ưa thích âm thanh khả ái, hấp dẫn.
+ Hữu ái: cho rằng âm thanh còn mãi.
+ Phi hữu ái: chết là hết không còn tồn tại âm thanh gì nữa.
- Bởi sự sinh của cảm thọ do t xúc sinh sinh, nên tham ái với mùi sinh. Cảm thọ do t xúc sinh là nhân, tham ái với mùi hương là quả.
+ Dục ái: ưa thích sự khả ái, hấp dẫn của mùi.
+ Hữu ái: mùi sẽ tồn tại mãi, tức là linh hồn sẽ còn mãi mãi để hưởng mùi.
+ Phi hữu ái: chết là hết, nên phải tranh thủ mà hưởng mùi.
- Bởi sự sinh của cảm thọ do thiệt xúc sinh sinh, nên tham ái với vị sinh. Cảm thọ do thiệt xúc sinh là nhân, tham ái với vị là quả.
+ Dục ái: ưa thích vị ngon.
+ Hữu ái: vị ngon còn mãi mãi, tức là chết rồi vẫn còn ăn được.
+ Phi hữu ái: chết rồi là hết, còn sống ngày nào thì phải tranh thủ mà ăn.
- Bởi sự sinh của cảm thọ do thân xúc sinh sinh, nên tham ái với xúc chạm sinh. Cảm thọ do thân xúc là nhân, tham ái với xúc chạm là quả.
+ Dục ái: ưa thích xúc chạm êm ái.
+ Hữu ái: xúc chạm êm ái sẽ còn mãi, chết rồi vẫn còn linh hồn để xúc chạm.
+ Phi hữu ái: chết là hết, còn sống ngày nào thì phải tranh thủ xúc chạm.
- Bởi sự sinh của cảm thọ do ý xúc sinh sinh, nên tham ái với cảnh pháp sinh. Cảm thọ do ý xúc sinh là nhân, tham ái với cảnh pháp là quả.
+ Dục ái pháp: ưa thích đối với cảnh ngũ dục.
+ Hữu ái pháp: chết rồi vẫn còn linh hồn để hưởng thụ ngũ dục.
+ Phi hữu ái pháp: chết rồi là hết nên phải tranh thủ hưởng thụ ngũ dục khi còn sống.
HỏiKhi 6 căn tiếp xúc với 6 trần, gặp cảnh không ưa thích nên phát sinh thọ ưu, khó chịu, thì cảm thọ đó làm duyên cho ái gì sinh?
Đáp: Tâm sân sinh lên khi có cảnh bất lợi cho mình hoặc cho những người mình yêu quý, những thứ mình yêu quý.
Vì có tham ái với mình, với những người, những thứ mình yêu quý đó, nên mới sinh tâm sân. Bởi vậy vì thọ ưu sinh, nên tham ái sinh. Thọ ưu là nhân, tham ái là quả.
HỏiKhi 6 căn tiếp xúc với cảnh trần với tâm trạng thản nhiên, phát sinh thọ xả thì thọ duyên ái như thế nào?
Đáp: Đối với bậc đã hết phiền não thì tâm thức thản nhiên với tất cả cảnh trần luôn đi với thọ xả và không sinh khởi tham ái.
Còn đối với phàm phu và hữu học, khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần, tâm thức thản nhiên sinh thọ xả vì cảnh trần đã trở nên quá quen thuộc, vẫn sinh ra dục ái, hữu ái hoặc phi hữu ái một cách thản nhiên.
HỏiMột người ưa thích tiền thì thuộc về tham ái cảnh gì?
ĐápTiền có thể mua được cả 5 thứ dục: sắc - thanh - hương - vị - xúc, nên ưa thích tiền là tham ái ngũ dục (tham ngũ dục thì sẽ khổ vì dục).
Hỏi: Khi bị người khác mắng chửi, mình khởi lên tức giận thì có cảm thọ gì? do cái gì xúc sinh? sinh với tâm gì? thọ đó làm duyên cho tham ái với cái gì?
Đáp: - Đó là thọ ưu. Thọ do nhĩ xúc sinh sinh cùng với tâm sân.
Thọ ưu đó làm duyên cho sự tham ái với cái thân 5 uẩn yêu quý này.
Do thọ ưu sinh, nên tham ái với 5 uẩn sinh.
Thọ ưu là nhân, tham ái với 5 uẩn là quả (ái 5 uẩn thì khổ vì 5 uẩn).
Hỏi: Khi có người thân qua đời, mình thường than khóc thảm thiết, thì có thọ gì? Do cái gì xúc sinh? Sinh với tâm gì? Thọ đó làm duyên cho tham ái với cái gì?
Đáp: Đó là thọ ưu.
- Sầu ưu khi nhìn là do nhãn xúc sinh
- Sầu ưu khi nghe người khác khóc là do nhĩ xúc sinh
- Sầu ưu khi tưởng nhớ lại người thân là thọ do ý xúc sinh, sinh cùng với tâm sân
- Thọ đó trợ duyên cho sự dính mắc với 5 uẩn của người thân.
- Do thọ ưu sinh, nên sự tham ái với 5 uẩn của người thân sinh. Thọ ưu là nhân, sự dính mắc với người thân là quả.
→ Ái người thân thì khổ vì người thân.
Hỏi: Được người bạn thân tặng cho một món quà, mỗi khi nhìn quà thì lại nhớ đến bạn thân, đó là thọ gì? Thọ do cái gì xúc sinh? Sinh cùng với tâm gì? Trợ duyên cho tham ái cái gì?
ĐápLà thọ ưu do ý xúc sinh, sinh cùng sân thọ ưu. Thọ trợ duyên cho tham ái với bạn thân.
→ Ái bạn thân thì khổ vì bạn thân.
HỏiTại sao nỗi nhớ lại đi kèm với tâm sân? là đang sân với ai?
ĐápNỗi nhớ sinh ra từ tham ái, tham ái mà không được thỏa mãn thì sinh ra sầu ưu hay sân. Đó là sân vì không được toại ý.
Hỏi: Một người khi nghe giảng Phật Pháp nói có cõi chư thiên, có cõi địa ngục, người đó khởi tâm hoài nghi, không biết những cõi đó có thật hay không? Như vậy thì có thọ gì? Sinh cùng với tâm gì? Do cái gì xúc sinh?Trợ duyên cho tham ái cái gì?
Đáp: Đó là thọ xả. Thọ do nhĩ xúc sinh, sinh cùng với tâm si hoài nghi. Trợ duyên cho tâm phi hữu ái, tham ái với sự không hiện hữu của các cõi hóa sinh.
Ái phi hữu ái là tà kiến sâu nặng nhất, thì sẽ khổ lâu dài trong địa ngục.
Hỏi: Khi có người thân qua đời, mọi người thường tổ chức tế lễ rất trọng thể, cung cấp cho người chết đủ những thứ cần dùng, họ rất thành tâm và hoan hỷ về điều đó, thì đó là thọ gì? Đi cùng với tâm gì? Do cái gì xúc sinh? Trợ duyên cho tham ái với cái gì?
Đáp: Đó là thọ hỷ sinh cùng với tâm tham tà kiến. Thọ do ý xúc sinh. Trợ duyên cho tâm hữu ái, tham ái với sự hiện hữu của linh hồn. Ái hữu ái thì sẽ khổ vì mê tín dị đoan.
Hỏi: Người đang ngủ thì có thọ gì? Tham ái với cảnh gì?
Đáp: Khi ngủ thì có tâm hữu phần sinh khởi. Nếu tục sinh thọ hỉ, thì hữu phần thọ hỉ, tục sinh thọ xả, thì hữu phần thọ xả.
Tâm hữu phần bắt cảnh nghiệp cận tử của kiếp trước và nó tham ái với cảnh đó.
Ái cận tử nghiệp thì sẽ khổ với một kiếp sống mới.
Hỏi: Có người nghĩ rằng: “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Đó là thọ gì? Sinh với tâm gì? Làm duyên cho ái gì?
Đáp:  Là thọ xả. Sinh với tâm si. Do ý xúc sinh.
Tham ái với phi hữu ái, vì nghĩ rằng chết rồi sẽ trở thành vật chất.
Hỏi: “Có người thấy một đứa trẻ lang thang đi ăn xin thì cảm thấy thương hại liền cho nó tiền. Khi được tiền đứa trẻ rất vui, người cho cũng cảm thấy vui. Lúc sau thấy nó mang tiền đó đi chơi cờ bạc…làm việc xấu, người cho cảm thấy hối hận. Khi hết tiền, nó lại đến xin nữa, thì ra vẻ lạnh lùng không cho nữa. Những lần sau nhìn thấy nó đi lang thang thì cảm thấy bình thường vì biết rằng tự nó làm khổ nó.” Vậy đó là thọ gì? Sinh với tâm gì? Thọ do cái gì xúc sinh? Trợ duyên cho tham ái với cái gì?
Đáp- Lần thứ nhất là thọ hỉ, sinh cùng với tâm bi. Thọ do nhãn xúc sinh. Trợ duyên cho tâm tham ái với cảnh sắc đứa trẻ.
- Lần thứ hai là thọ hỉ, sinh với tâm hỷ thiện dục giới. Thọ do nhãn xúc sinh. Trợ duyên cho tham ái cảnh sắc đứa trẻ.
- Lần thứ ba là thọ ưu, sinh với tâm sân hối hận. Trợ duyên cho tham ái với chính mình.
- Lần thứ tư là thọ xả, sinh với tâm tham ngã mạn. Trợ duyên cho tham ái với chính mình.
- Lần thứ năm là thọ xả, sinh với tâm thiện dục giới. Trợ duyên cho tham ái chung chung, bình đẳng với tất cả những ai đang bị nghiệp chi phối.
Hỏi: Đang đi trong rừng mà trông thấy một con cọp, sợ quá rủn hết chân tay, thì có cảm thọ gì? làm duyên cho ái gì?
Đáp: Đó là sợ hãi đi kèm với thọ ưu, thọ do nhãn xúc sinh, trợ duyên cho tham ái với mạng sống.
Do thọ ưu sinh, tham ái mạng sống sinh. Thọ ưu nhân, ái mạng sống là quả. Ái mạng sống thì sẽ cố chịu khổ để bảo vệ mạng sống.
Hỏi: Khi nhìn kĩ thì không phải cọp, mà chỉ là đống đất giống hình con cọp, thì có thọ gì? làm duyên cho ái gì? 
ĐápLà thọ hỷ, do nhãn xúc sinh, làm duyên cho tham ái với mạng sống.
Do thọ hỉ sinh, nên ái mạng sống sinh. Thọ hỉ là nhân, ái mạng sống là quả.
Ái mạng sống sẽ rất khổ khi mạng sống bị đe dọa.
Hỏi: Lần sau đi qua khu rừng đó nhìn đống đất hình con cọp một cách thản nhiên, thì thọ duyên cho ái gì?
Đáp: Là thọ xả trợ duyên cho tham ái với mạng sống.
Do thọ xả sinh, nên ái mạng sống sinh. Thọ xả là nhân, ái mạng sống là quả.
Hỏi: Tại sao thọ hỉ, thọ ưu và thọ xả đều làm nhân cho ái mạng sống?
Đáp: Thọ ưu trợ duyên khi ái bị đe dọa.
Thọ hỉ trợ duyên khi ái được toại ý.
Thọ xả trợ duyên khi ái diễn ra bình thường.
Ái đi với ưu thì khổ vì ưu.
Ái đi với hỉ thì khổ vì hỉ.
Ái đi với xả thì khổ vì xả.
Hỏi: Thế nào là khổ vì ái ưu? thế nào là khổ vì ái hỉ? thế nào là khổ vì ái xả?
ĐápÁi khổ vì ưu vì không có hỉ.
Ái khổ vì hỉ vì hỉ rồi sẽ có ưu.
Ái khổ vì xả vì xả rồi sẽ có cả ưu và hỉ.
HỏiMột cặp nam nữ ái luyến nhau:
- Khi gặp nhau thì hỉ.
 Khi xa nhau thì ưu.
- Khi ở với nhau thì xả. Khi xa lìa thì lại thọ ưu.
Như thế là thọ duyên cho ái gì?
Đáp: Do thọ sinh, nên ái sắc - thanh - hương - vị - xúc của nam - nữ sinh.
Thọ là nhân, ái sắc - thanh - hương - vị - xúc của nam - nữ là quả. Khi sắc - thanh - hương - vị - xúc tàn thì ái cũng tàn.
Ái tàn thì sẽ khổ vô vàn. Vì ái vốn là nhân của khổ.
Hỏi: “Có người đang có dự định đi làm việc thiện, tâm trạng thản nhiên trong khi làm việc thiện, cảm thấy cũng vui vẻ . Khi làm việc thiện xong, mỗi lần nhớ lại, cảm thấy hoan hỉ, tự hào, nghĩ rằng ta đã tạo được một danh tiếng lớn”. Vậy đó là thọ gì? Do cái gì xúc sinh? Sinh cùng với tâm gì? Trợ duyên cho tham ái như thế nào?
Đáp- Lần thứ nhất tâm trạng thản nhiên là thọ xả, sinh cùng với tâm thiện dục giới, thọ do ý xúc sinh, trợ duyên cho tham ái với người khác.
- Lần thứ 2 là thọ hỷ, sinh với tâm thiện dục giới, thọ do nhãn xúc sinh, trợ duyên cho tham ái với người khác.
- Lần thứ 3 là thọ hỉ, sinh với tâm tham ngã mạn, thọ do ý xúc sinh, trợ duyên cho tâm tham ái với tự ngã.
Hỏi: Có người nghĩ rằng: “Chết rồi là hết, nên cứ thản nhiên hưởng thụ ngũ dục: sắc - thanh - hương - vị - xúc”. Thì có thọ gì? Sinh với tâm gì? Do cái gì xúc sinh? Tham ái với cái gì?
Đáp: Là thọ xả, sinh với tham tà kiến. Thọ do ý xúc sinh, trợ duyên cho tham ái với dục ái và phi hữu ái, vì cho rằng chết là hết. Một loại tà kiến cố định đáng vào đại địa ngục.
HỏiCó người đi chùa cúng dàng tam bảo với tâm hoan hỉ và phát nguyện: “Do sự phước báu cúng dường này, cầu mong cho con kiếp sau sinh làm người, gặp được chánh pháp và tu hành chứng đắc Niết Bàn”.
Vậy đó là thọ gì? Sinh cùng với tâm gì? Do cái gì xúc sinh? Trợ duyên cho tham ái với cái gì?
ĐápĐó là thọ hỉ, sinh cùng với tâm thiện dục giới. Thọ do ý xúc sinh. Trợ duyên cho tham ái được sinh tr lại làm người, tu chứng Niết bàn ở tương lai.
Ái người tu sẽ chấp nhận nỗi khổ của người tu.
HỏiCó người nhàm chán sự đời ở cõi dục giới, nên chuyên tâm tu tập thiền định, chứng đắc các tầng thiền sắc giới và nguyện sinh về sống ở cõi phạm thiên. Thì đó là thọ gì?Thọ do cái gì xúc sinh? Sinh cùng với tâm gì? Trợ duyên cho tham ái cái gì?
Đáp: - Nếu chứng sơ thiền, nhị thiền thì thọ hỷ - Tam thiền thì thọ lạc - tứ thiền thì thọ xả.
- Thọ sinh cùng với tâm thiền sắc giới. Thọ do ý xúc sinh. Trợ duyên cho tâm hữu ái, tham ái với sự hiện hữu lâu dài ở cõi phạm thiên.
 Ái phạm thiên thì sẽ khổ vì phải sống một kiếp quá dài.
Hỏi: Có người nhàm chán cái sắc thân vật chất này vì nó có quá nhiều nỗi khổ đau, nguy hiểm, nên chuyên tâm thực hành thiền định, chứng đắc thiền vô sắc giới. Vậy có thọ gì? Đi với tâm gì? Do cái gì xúc sinh? Tham ái với cái gì?
ĐápĐó là thọ xả, sinh cùng với tâm vô sắc. Thọ do ý xúc sinh. Trợ duyên cho tham ái với cõi phạm thiên vô sắc.
Hỏi: Có người nhàm chán cái tâm thức này vì nó có quá nhiều lăng xăng, phiền muộn, nên chuyên tâm tu tập thiền định, chứng đắc tứ thiền. Với ước muốn sinh về cõi không có tâm. Thì đó là thọ gì? Sinh với tâm gì? Do cái gì xúc sinh? Trợ duyên cho tham ái cái gì?
Đáp: Là thọ xả, sinh với tâm thiền sắc giới. Thọ do ý xúc sinh. Trợ duyên cho tham ái với cõi phạm thiên vô tưởng.
 Ái vô tưởng thì sẽ khổ vì một kiếp sống lâu dài không có tâm.
HỏiCó người nhàm chán nỗi khổ đau sinh tử, chuyên tâm thực hành giới - định - tuệ, chứng đắc tứ thánh đạo - tứ thánh quả. Thì đó là thọ gì? Sinh cùng với tâm gì? Thọ do cái gì xúc sinh? Tham ái với cái gì?
ĐápĐó là thọ xả, sinh cùng với tâm siêu thế. Thọ do ý xúc sinh. Thọ xả ở tâm quả siêu thế không trợ duyên cho tham ái. Vì tham ái không sinh khởi, nên khổ đau được đoạn trừ, chấm dứt luân hồi trong tam giới. Hết tham ái, thì hết khổ.
Hỏi: Tại sao phải quán thọ duyên ái ?

ĐápVì ái là nguyên nhân của khổ đau sinh tử. Muốn giải thoát khổ đau thì phải diệt được tham ái. Muốn diệt tham ái thì phải diệt từ cái nhân sinh ra nó. Vì vậy phải quán thọ duyên ái để diệt trừ thọ thì ái sẽ được diệt trừ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét