Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

Đạo lộ tu tập của Trường thiền Pa Auk

Đức Phật đã thuyết giảng Đạo Phật một cách rất khoa học. Ta có thể phân ra hai phần rõ ràng Pháp Học (Pariyatti) và Pháp Hành (Patipatti), cũng giống như  các nghành khoa học có hai phần Lý Thuyết và Thực Hành. Phần thực hành nhằm chứng minh bằng trải nghiệm rằng phần giáo thuyết là đúng. Pháp Hành của  Đạo Phật sẽ chứng minh cụ thể rằng, người tu sẽ thực sự diệt được khổ, thoát khỏi vô thường và sẽ an trú được trong bốn Đạo quả và Níp Bàn.Pháp học (cái biết) cần phải chuyên sâu để thực hiện pháp hành. Pháp Hành (cái thấy) quan trọng hơn vì chỉ có Pháp Hành mới đem lại sự  chứng ngộ trọn vẹn.

Sự giác ngộ đem lại lợi ích thực sự  ngay trong kiếp sống này. Khi đề cập đến Pháp hành ta nhất thiết phải tìm hiểu qui trình tu tập hợp lý và hợp với giáo huấn của Đức Phật. Đó là vấn đề về Đạo Lộ Tu Tập (the way for Dhamma Practice) trong giáo pháp nguyên thủy.

Với các tư liệu từ  năm bộ Nikayas, bộ vi diệu pháp (Abhidhamma) và các chú giải của thời kì sau đó, ví dụ bộ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), hiện nay có nhiều trường phái Theravada thực hành các đạo lộ khác nhau. Dưới đây liệt kê một số các trường thiền và các vị thày đương thời:

                1.   TRƯỜNG PHÁI CỦA NGÀI MAHASI:

–  Trường thiền Shwe Oo min (U Tejaniya, Myanmar)
– Trường thiền Panditarama (U Pandita, Myanmar)
– Wat Rampoeng (Ajahn Suphan, Thailand)
– Boonkanjanaran meditation center (Ajahn Naeb, Thailand)

                2.    TRƯỜNG PHÁI CỦA NGÀI U ACINNA PAAUK TAWYA:

– Trường thiền Pa Auk (Pa Pauk sayadaw, Myanmar

               3.    TRƯỜNG PHÁI CỦA NGÀI AJAHN BRAHMAVAMSO (WEST AUSTRALIA)

               4.    TRƯỜNG PHÁI CỦA BÀ AYYA KHEMAL (SRI LANKA, AUSTRALIA, EUROPE)

               5.    TRƯỜNG PHÁI CỦA BHANTE GUNARATANA (SRI LANKA, WASHINGTON DC, U.S.A)

               6.    TRƯỜNG PHÁI AJAHN THANISSARO (SAN DIEGO, CALI, U.S.A)

(Bài viết này không liệt kê trường phái của ngài Goenka vì phương pháp vipassana của ngài chỉ nhấn mạnh và thu hẹp trong cách quán cảm thọ)
Nói chung, ở Miến Điện hay Thái Lan, các trường thiền và chùa chỉ giảng dạy cách tu tập theo đạo lộ của ngài Mahasi. Tức là quán Tứ Niệm Xứ dựa trên căn bản của Sát na định (khanisa Samadhi, momentary concentration).
Theo Thanh Tịnh Đạo, người thực hành Vipassana cần nhìn thấy rõ các pháp chân đế (paramattha) bằng cái biết “như thực” (seeing as it is) khi vừa xuất ra khỏi một bậc thiền (chí ít phải là cận định của sơ thiền). Đạo lộ tu tập theo ngài Mahasi cũng dựa theo bộ luận Thanh Tịnh Đạo. Tuy nhiên với cách hiểu và giải thích về sát na định (khanika Samadhi) dường như không đúng với luận Thanh Tịnh Đạo, nên kết quả là người thực hành thiền quán đã không có cái “tuệ tri như thực” (yathābhūtaṁ pajānāti) mà bộ luận đã đòi hỏi. Khi vừa xuất ra một bậc thiền, thì “sát na định” của một người có Định” sẽ rất mạnh mẽ, khác hẳn với “sát na định của một người không có Định”. Sát na định của một người có Định sẽ có thể thấy vật chất (sắc) ở mức độ các tổ hợp Kalapa, và có thể thấy Tâm (danh) ở mức độ các sát na tâm. Như vậy, tuệ phân biệt danh-sắc của một người có một bậc thiền sẽ khác xa với những người không có bậc thiền nào cả! Tương tự, sẽ có sự khác biệt như vậy đối với các tuệ còn lại.
Trường thiền Pa Auk hiện nay đã khôi phục lại đạo lộ tu tập theo Thanh Tịnh Đạo thật chính xác. Tại rừng Pa Auk, bốn định hữu sắc và bốn định vô sắc (4 rupa jhana & 4 arupa jhana) đã được được thực hành thành công. Đạo lộ này hướng dẫn người thực hành đi theo một qui trình nhất định (Giới-Định-Tuệ), lần lượt thu đạt các kết quả, các tầng bậc chứng ngộ, các quả vị, mà chuẩn mực đã được ghi chép đầy đủ trong chánh tạng. Dưới đây là giới thiệu tóm tắt đạo lộ tu tập theo Thanh Tịnh đạo thực hiện bởi trường thiền Pa Auk:

Đạo lộ tu tập tại trường thiền Pa Auk

1. Giới luật:

Luôn luôn được coi là nền móng giúp thanh tịnh tâm. Giới luật và Thiền định là phương tiện chứ không phải là cứu cánh của Đạo Phật.

2. Thiền Định

Định dễ phát sinh nếu được Giới giúp làm thanh tịnh. Giới sẽ được củng cố nếu có Định giúp tâm thanh tịnh. Giới và Định có mối quan hệ tương tác.
Trường phái Pa Auk, Myanmar, chọn lối tu Định trước Tuệ sau theo đúng như chú giải Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) của Ngài Buddhaghosa cách đây khoảng 1500 năm. Theo thứ tự tu tập này, người tu được khuyến khích nên đạt được mức an chỉ (appanā samādhi) của một định (jhana), trước khi tu tập tuệ (Vipassana). Chí ít (at least), cũng phải đạt được cận định (upacāra samādhi) của sơ thiền tức bậc thiền thấp nhất.
Mọi tranh luận về một đạo lộ tu tập đúng và hiệu quả đều xoay quanh vấn đề vai trò của thiền định. Các khuynh hướng xem nhẹ hoặc chống đối thiền định có vẻ mang tính chủ quan. Hoàn toàn không có bất cứ kinh điển nào dẫn chứng cho quan điểm phủ nhận thiền định hoặc cho thiền định là “vô ích” hay “nguy hiểm”. Trái lại, trong tam tạng kinh điển có rất nhiều những bài kinh, đoạn kinh, nói về sự cần thiết và lợi ích của viêc tu tập thiền định. Ví dụ phẩm Thiền Định 1 và 2 (chương Một pháp, Tăng Chi Bộ Kinh), phẩm Định, tương ưng sự thật (chương XXII, Tương Ưng Bộ Kinh), kinh Đại Bát Niết Bàn (Trung Bộ Kinh) và vố số những đoạn kinh khác trong năm bộ Nikaya.
Các trường phái Vipassana chủ trương không dựa trên năng lực của thiền định đã không thể vạch ra chi tiết các giai đoạn tu tập để dẫn tới các đạo quả. Ngược lại, trường phái coi thiền định là thiết yếu và quan trọng, có thể vạch ra chi tiết các giai đoạn tu tập cho đến khi đạt được giải thoát bằng bốn quả vị. Hơn nữa với năng lực của định, người tu còn có thể thấy ngay thời khắc chuyển phàm thành thánh của chính mình. Để biết vai trò của Định thực sự cần thiết như thế nào, hãy đọc lại lời di chúc của Đức Phật trong kinh Đại Bát Niết Bàn (DN Mahaparinibbana):
“ Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu… ”

3. Tuệ quán

Là giai đoạn khó và phức tạp hơn. Phân Tích Đạo (Patisambhidamagga) của ngài Xá Lợi Phất, thuộc Tiếu Bộ kinh, có liệt kê chi tiết về 73 loại trí.  TRÍ (ñāṇaṃ) được hiểu như  là khi Tuệ (paññā) đã toàn mãn.  Sự  giác ngộ theo đạo Phật nguyên thủy là sự tu tập thành công các loại trí (tuệ) [1].  Theo Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi magga) người tu cần phải thanh tịnh tâm qua bảy giai đoạn thanh tịnh để chứng đạt 16 tầng Tuệ từ thấp lên cao. Bảy giai đoạn thanh tịnh tâm hoàn toàn có trong kinh điển, được đề cập trong bài kinh 24, Trung Bộ (Rathavinita Sutta, Kinh Bảy Trạm Xe) và trong bài kinh 34 của Trường Bộ (Dasuttara Sutta, Kinh Thập Thượng). Các tuệ minh sát cũng đã có liệt kê trong Phân Tích Đạo thuộc Tiếu Bộ Kinh.

4. Mười sáu Tuệ Minh Sát

Trong pháp tu Thiền Quán (Vipassana) của Đạo Phật nguyên thủy, các tuệ cần phải tu tập được liệt kê theo thứ tự  như sau:
– Tuệ phân tích Danh Sắc (Nāma-rūpa-pariccheda ñāṇa)
– Tuệ phân tích nhân quả (Paccaya-parigaha-ñāṇa)
– Tuệ suy xét thấy danh sắc vô thường, khổ, vô ngã (Sammasa-ñāṇa)
– Tuệ về sinh và diệt (Udayabbaya-ñāṇa)
– Tuệ quán sự  hoại diệt (BhangaAnupassanā-ñāṇa)
– Tuệ sợ hãi (Bhayatupatthana-ñāṇa)
– Tuệ bất toại nguyện (Adinava-ñāṇa)
– Tuệ chán ghét (Nibbidā-ñāṇa)
– Tuệ ham muốn giải Thoát (Munacittukammayata-ñāṇa)
– Tuệ nổ lực giải thoát (Patisankha-ñāṇa)
– Tuệ hành xả (Sankhāra-upekkhā-ñāṇa)
– Tuệ thuận thứ (Anuloma-ñāṇa)
– Tuệ cắt đứt dòng phàm còn gọi là tuệ chuyển tộc (Gotrabhu-ñāṇa)
– Tuệ đạo (Magga-ñāṇa)
– Tuệ quả (Phala-ñāṇa)
– Tuệ phản khán hay xem xét lại (Paccavekkhana-ñāṇa)

5. SƠ ĐỒ tóm tắt






Sơ đồ đạo lộ tu tập của trường thiền Pa Auk
Sau khi hiểu rõ và nắm giữ giới luật, người tu đi vào một trong hai con đường tu tập tùy theo năng lực cá nhân:
Trường hợp 1: Bắt đầu bằng thực hành quán niệm hơi thở. Sau đó,
– Phát triển quán niệm hơi thở thành định ở mức an chỉ (appana-samadhi) của một bậc thiền (Jhana).
– Thực tập bốn thiền bảo hộ (tứ vô lượng tâm)
– Thực tập quán 32 chi phần cơ thể
– Nếu có khả năng, dùng các loại kasina để thực hiện các định vô sắc
– Thực hành thiền tứ đại trước khi đi vào Tuệ Quán (Vipassana)
– Tầng Tuệ đầu tiên phải thực hành là “phân biệt danh sắc”. Có rất nhiều tuệ phải thực hành trong vipassana, nhưng trong đó có 16 tuệ căn bản dẫn đến giác ngộ bốn quả vị của Đạo Phật. Giác ngộ sẽ xảy ra sau khi người tu thiền nhận biết tuệ thứ 12 (tuệ thuận thứ, anuloma-ñāṇa). Tuệ thứ 13 là tuệ chuyển tộc (Gotrabhu-ñāṇa) người tu nhận biết Níp Bàn và từ phàm trở thành bậc thánh nhập lưu.
Trường hợp 2: Nếu thiền sinh không thể phát triển sự quán niệm hơi thở thành định an chỉ được: Tại trường thiền Pa Auk thiền sinh được khuyến khích thực hành thiền tứ đại (cattudhatu vavattana). Khi thực hành thành công thiền tứ đại thì người tu thiền có mức định tương đương với cận định của một bậc thiền. Sau đó thiền sinh dùng mức cận định này để thực hành tuệ quán với tuệ đầu tiên là “phân biệt danh-sắc”.
Nguyên tắc thực hành tuệ quán dựa trên nền tảng của Định:
Người tu thiền xuất ra khỏi an chỉ định hoặc cận định, năng lực tâm khi vừa xuất ra khỏi định hay cận định rất mạnh, có thể dùng để nhận biết và quan sát các đối tượng thuộc chân đế cũng như sự sinh diệt của chúng. Lúc này tâm vẫn còn sức mạnh của định và gọi là sát na định (khanika samadhi).
Phần mô tả trên đây là một phác họa cơ bản về Đạo lộ tu tập của trường thiền Pa Auk, nghĩa là chỉ nhấn mạnh vào các giai đoạn tu tập. Các chi tiết cụ thể của phương pháp tu tập được giảng dạy tại trường thiền.
BS Phạm Doãn Luyện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét